Thứ bảy , 20/04/2024  |  02:56  GMT+7

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp phụ trợ

09:00  Ngày 08/06/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệpKhoảng 20 doanh nghiệp phụ trợ thuần Việt đã trải qua “vòng loại” đầu tiên để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện cho dự án của Samsung ở TP HCM.

 

Hơn 2 tuần sau khi dự án xây dựng khu phức hợp điện tử gia dụng 1,4 tỉ USD của Samsung tại Khu Công nghệ cao (quận 9, TP HCM) khởi công, đã có doanh nghiệp (DN) đầu tiên trở thành nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện đầu vào cho tập đoàn này. Theo các chuyên gia, cơ hội để DN Việt Nam trở thành một “mắt xích” trong chuỗi sản xuất của Samsung là rất lớn bởi ngành công nghiện điện tử ở phía Nam đã có những bước phát triển nhất định 20 năm qua.

Nhiều DN lọt vào tầm ngắm

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), nơi Tập đoàn Samsung đầu tư tổ hợp điện tử gia dụng, vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina (100% vốn Hàn Quốc). Nhà đầu tư này sẽ xây dựng dự án sản xuất kinh doanh linh kiện điện tử và màn hình LED, với tổng vốn cam kết 63 triệu USD.

Thực chất, Daeyoung Electronics Vina là nhà phụ trợ của Samsung từ trước và nay muốn mở rộng đầu tư vào SHTP để đón đầu dự án tỉ đô. Đây là tín hiệu vui đầu tiên cho mục tiêu thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử khi Samsung rót 1,4 tỉ USD vào TP HCM.

Với DN phụ trợ trong nước, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban SHTP, cho biết Samsung và SHTP đã làm việc với khoảng 100 DN Việt, trải qua 3 vòng “sơ tuyển” khảo sát và tiếp xúc trực tiếp nhằm tìm kiếm ứng viên trở thành nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện đầu vào. “Hiện còn trên 20 DN và SHTP đang cố gắng kết nối để những DN này tiếp cận được chuỗi cung ứng của Samsung dù vẫn còn chặng đường dài phía trước” - ông Quốc nói.

Dự án 1,4 tỉ USD của Samsung vừa khởi công ở TP HCM.

Với các dự án sản xuất điện thoại của Samsung ở Bắc Ninh hay Thái Nguyên, cơ hội cho DN trong nước làm phụ trợ khá hẹp vì lĩnh vực này vốn rất mới mẻ tại Việt Nam. Song, dự án tổ hợp điện tử gia dụng của Samsung ở TP HCM lại khác, có nhiều lợi thế hơn vì đây là dự án nối tiếp của Samsung Vina (Savina - có mặt ở Việt Nam từ năm 1995) với quy mô lớn nhằm hướng đến thị trường toàn cầu.

Nếu Samsung Vina quy mô chỉ 5 ha và sản xuất 50.000 sản phẩm/năm thì dự án 1,4 tỉ USD ở TP HCM quy mô đến 70 ha và mỗi năm có thể sản xuất hơn 2 triệu sản phẩm các loại, như: điện tử gia dụng, ti vi kỹ thuật số, máy in... Một nhà máy sản xuất hiện đại hàng đầu thế giới bao gồm tất cả công đoạn - từ lắp ráp thành phẩm đến sản xuất các linh kiện chính như máy in ảnh, quang học... - sẽ mở ra cơ hội lớn cho DN phụ trợ.

Coi chừng phải nhường sân nhà

Với 20 năm có mặt ở Việt Nam, Samsung Vina có hàng chục nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện đầu vào, gồm cả DN bản địa nên cơ hội để DN Việt tiếp tục đặt chân vào dự án quy mô 1,4 tỉ USD này là rất lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Vina, dự án của tập đoàn tại TP HCM là sản xuất hàng điện tử gia dụng mà lâu nay DN Việt ở phía Nam đã xây dựng cho mình một nền tảng. Bởi lẽ, không chỉ Samsung Vina mà hàng loạt tập đoàn điện tử nước ngoài đã có mặt nhiều năm qua như Sony, Panasonic, Sanyo, Toshiba...

Ông Lê Hoài Quốc cho rằng lĩnh vực hàng điện tử gia dụng rất rộng - như ti vi, máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa... - nên các loại linh kiện, phụ kiện cũng đa dạng, từ nhựa, cao su đến bao bì, sắp thép, cơ khí, khuôn mẫu, điện... “Cửa mở rộng nhưng DN Việt có tận dụng được hay không lại là chuyện khác. Bởi lẽ, ngoài vấn đề kỹ thuật, yêu cầu từ phía Samsung với đối tác phụ trợ là chất lượng phải đồng nhất dù 100 hay 1 triệu sản phẩm, rồi thời gian cung ứng... Đây là những thách thức rất lớn” - ông Quốc nhìn nhận.

Lâu nay, thực tế là DN Việt không sản xuất nổi ốc vít cho các tập đoàn nước ngoài, ngành công nghiệp phụ trợ chỉ dừng lại ở bao bì, vỏ nhựa dù không thiếu cơ hội. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP HCM, lý giải: Không hẳn DN trong nước không làm được ốc vít, vấn đề là giá thành quá cao, không đáp ứng được hoặc chất lượng của những con ốc vít không đồng nhất.

Khi Samsung liên tục đổ vốn vào Việt Nam với nhiều dự án “khủng”, hiệp hội đã tiến hành một cuộc khảo sát về khả năng cung ứng của DN thành viên. Kết quả, đến 90% DN trong ngành không đáp ứng được về giá, 10% còn lại giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm và quản trị DN không bảo đảm...

“Muốn trở thành nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện đầu vào cho Samsung nói riêng và các tập đoàn điện tử nước ngoài ở Việt Nam nói chung, DN trong nước cần phải mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc công nghệ để bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều. Nếu không, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc và nhường sân nhà cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)” - ông Việt Anh cảnh báo.

Theo NLĐ



Đang xử lý...