Thứ bảy , 20/04/2024  |  04:57  GMT+7

Lạm dụng bia, rượu khi tham gia giao thông: Bao giờ phạt đủ nặng?

08:05  Ngày 13/07/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệpTình trạng lạm dụng bia rượu gây tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam đang chiếm tỷ lệ rất cao, nhưng kết quả xử lý lại quá thấp đã dẫn đến tình trạng "nhờn" luật. Vì thế, cần xử lý hình sự các hành vi sử dụng rượu bia tham gia giao thông gây tai nạn; thông báo vi phạm về nơi cư trú, công tác để kiểm điểm… là đề xuất của một số chuyên gia.

Chế tài xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn hiện chưa đủ sức răn đe.

40% số vụ TNGT liên quan đến bia, rượu

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tác hại của rượu, bia liên quan đến tai nạn thương tích, trong đó có TNGT đặc biệt đáng báo động ở các nước đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, thống kê cho thấy, khoảng 40% số vụ TNGT với khoảng 11% trường hợp bị tử vong có liên quan đến rượu, bia. Tuy nhiên, đáng chú ý Việt Nam vẫn đang là một trong số ít các quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức độ tiêu thụ bình quân rượu, bia/người/năm. Cụ thể, lượng bia sử dụng trung bình/người/năm là 32 lít, xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ 3 Châu Á. Việt Nam cũng được xếp là 1/25 quốc gia đứng đầu thế giới trong danh sách có mức tiêu thụ bia nhiều nhất.

PGS.TS Hoàng Đình Ban - Trưởng khoa CSGT (Học viện Cảnh sát nhân dân) nhận định, tỷ lệ người dân lạm dụng bia, rượu, vi phạm các quy định về nồng độ cồn rất cao nhưng việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm lại rất hạn chế. Năm 2014, lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện sử dụng rượu bia gây TNGT chiếm 1,62% trong tổng số các vụ TNGT; vi phạm nồng độ cồn chiếm 0,25% trong tổng số xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ. Số vụ TNGT liên quan đến bia, rượu chiếm tới 40% nhưng kết quả xử lý thấp, hiệu quả chưa như mong muốn đã dẫn đến tình trạng "nhờn" luật trong một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.

Liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong máu, đại diện Bộ Công an cho biết, từ cuối năm 2014 đến nay, CSGT trên toàn quốc đã tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm. Những địa phương có kết quả xử lý cao gồm Tây Ninh, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số người vi phạm khi bị kiểm tra đã có hành vi chống đối hoặc không hợp tác... Hiện nay, thiết bị kiểm tra nồng độ cồn tuy đã được trang bị ở các tỉnh, nhưng vẫn thiếu, nhất là công an cấp huyện. Cá biệt, có một số đơn vị, địa phương chưa tập trung thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Phạt nặng để làm gương

Cũng theo các chuyên gia, dự báo tình hình sản xuất rượu, bia ở Việt Nam trong các năm tới sẽ còn tiếp tục tăng, ước tính 15%/năm. Để hạn chế TNGT do bia, rượu thực sự là một bài toán khó. 

PGS.TS Hoàng Đình Ban cho rằng, giải pháp tiên quyết là phải tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về sử dụng rượu, bia thông qua việc thắt chặt quy chế nghiêm cấm cán bộ, công chức sử dụng bia, rượu trong giờ làm việc; đưa tiêu chí "Nói không với rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông" trở thành một trong những tiêu chí thi đua; trang bị đủ máy đo nồng độ cồn cho lực lượng CSGT để tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện vào thời gian từ 12h đến 14h và 18h - 21h hằng ngày. 

Một giải pháp quan trọng nữa là nâng mức chế tài xử phạt theo hướng tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện khi vi phạm quy định về nồng độ cồn và bổ sung hình phạt tù giam khi uống bia, rượu gây tai nạn. Ngoài ra, cơ quan công an sẽ thông báo người vi phạm về nơi cư trú, làm việc để kiểm điểm. Đối với cán bộ, công chức không chỉ xử lý hành chính mà còn xem xét áp dụng các mức kỷ luật nặng hơn nữa.

Tại hội thảo về vấn đề liên quan do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trên bao bì cần có các khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng để người uống biết các thông tin mà chủ động khi uống. Bên cạnh đó, các bộ Công an, Y tế cần phối hợp xây dựng thông tư liên tịch quy định chung về quy trình kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế đối với các loại đồ uống có cồn…
 
Tại Thái Lan, người lái xe từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị bắt giữ và buộc tội 1 năm tù, phạt tiền lên đến 20.000 bath. Ở Mỹ, vi phạm lần đầu bị phạt 300-1.000 USD, lần vi phạm tiếp theo bị phạt 15.000 USD trở lên. Phí thử nồng độ cồn trong máu cho người vi phạm phải trả là 500-1.000 USD. Đồng thời, người vi phạm phải học khóa học ý thức tham gia giao thông và qua các kỳ thi rất khắt khe với mức chi phí 300-500 USD/khóa.

Theo HNM
 



Đang xử lý...