Thứ sáu , 19/04/2024  |  19:43  GMT+7

Năm 2016 sẽ có gác chắn đường sắt tự động

10:38  Ngày 30/11/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệp) Năm 2016, một số gác chắn đường sắt tự động sẽ được lắp đặt thử nghiệm tại các giao lộ giữa đường sắt và đường bộ để thay cho gác chắn thủ công hiện nay.

Nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ hiện nay thậm chí còn không có gác chắn mà chỉ có biển cảnh báo.

Năm 2016, một số gác chắn đường sắt tự động sẽ được lắp đặt thử nghiệm tại các giao lộ giữa đường sắt và đường bộ để thay cho gác chắn thủ công hiện nay.

Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), mới đây đơn vị này đã làm việc với Công ty cổ phần Đường sắt Nga và Ngân hàng Nga - Việt để thảo luận về việc lắp đặt thiết bị gác chắn tự động tại các đường ngang để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Sau khi thảo luận, hai bên đã thống nhất sẽ ký hợp đồng mua một số sản phẩm vào tháng 12-2015 và tiến hành lắp đặt vào quí I và quí II năm 2016.

Theo VNR, để lắp đặt hết hệ thống gác chắn tự động trên toàn mạng lưới đường sắt thì cần một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, VNR đề nghị phía Ngân hàng Nga - Việt xem xét các chính sách cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt của Tổng công ty.

Bên cạnh việc lắp đặt thiết bị thử nghiệm của Nga, VNR còn lắp đặt thử nghiệm thiết bị chắn đường ngang của một số nước như Đức, Nhật, Trung Quốc..., sau đó sẽ so sánh và đánh giá để lựa chọn thiết bị phù hợp nhất.

Theo thống kê của VNR, trên mạng lưới đường sắt hiện tại có hơn 5.000 đường ngang các loại, trong đó 544 đường ngang có biển báo, 304 đường ngang có cảnh báo tự động, 654 đường ngang có người gác, 4.268 đường dân sinh vượt qua đường sắt.

Hiện nay, việc đảm bảo an toàn tại các vị trí giao cắt đường sắt - đường bộ chủ yếu vẫn dùng phương pháp thủ công là sử dụng nhân công phòng vệ đường ngang bằng cần hoặc dàn chắn. Việc làm này cần số lượng lớn nhân viên trực chốt tại các đường ngang để đảm bảo an toàn chạy tàu. Khi có gác chắn tự động sẽ giảm được số nhân công đang làm việc tại các gác chắn hiện nay.

Ngoài ra, tại các đường ngang cảnh báo tự động (cảnh báo bằng thiết bị đèn, loa, chuông…, không có nhân viên gác chắn), tai nạn đường sắt vẫn xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát hoặc cố tình vi phạm, vượt đường sắt mặc dù thiết bị đã cảnh báo. Do vậy, việc đầu tư gác chắn tự động nhằm giảm tai nạn đường sắt.

Theo TBKTSG Online



Đang xử lý...