Thứ bảy , 20/04/2024  |  19:47  GMT+7

Nguy cơ từ buông lỏng quản lý xe đạp điện

10:18  Ngày 21/08/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệpXe đạp điện (XĐĐ) là một trong những loại phương tiện mang tính cơ động có giá thành rẻ và thân thiện với môi trường nhất hiện nay.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sự hững hờ của cơ quan chức năng cùng tâm lý chủ quan, sai lệch của người dân đã tạo điều kiện cho XĐĐ phát triển nhanh về số lượng, khiến xã hội đang dần mất kiểm soát với loại phương tiện không khói này.

Nhiều ưu điểm nổi bật

Khoảng năm 2008, XĐĐ bắt đầu xuất hiện tại các TP lớn ở nước ta. Ban đầu được sử dụng như một “món đồ chơi cao cấp”, nhưng với nhiều ưu điểm nổi bật, XĐĐ đã dần được phổ biến rộng rãi, trở thành phương tiện phục vụ một bộ phận không nhỏ người dân. Đến nay, cả nước đã có khoảng 2,5 triệu chiếc XĐĐ (bao gồm cả xe máy điện, xe đạp gắn động cơ điện). Có thể phổ biến rộng rãi và tăng vọt về số lượng một cách nhanh chóng như vậy cho thấy loại phương tiện này khá phù hợp với cả thực trạng giao thông tại các TP lớn lẫn túi tiền của người sử dụng.

XĐĐ có thể đạt vận tốc từ 25 - 50km/giờ, chở được 2 người hoặc 150kg, mỗi lần sạc đầy có thể đi được 70km. Mỗi chiếc XĐĐ thông thường có giá khoảng 12 triệu đồng và đáng kể nhất là người sử dụng không phải bỏ ra một khoản chi phí thường nhật để mua nhiên liệu - xăng dầu cho xe. Trong khu vực nội đô, nội thị, với những ưu điểm kể trên, XĐĐ đang dần chinh phục một bộ phận lớn người tiêu dùng bao gồm cả người lao động, người già, người có thu nhập thấp… Ngoài ra XĐĐ còn có một ưu điểm tối quan trọng là thân thiện với môi trường, một loại phương tiện không khói, rất phù hợp để phát triển giao thông xanh. Hiện cả nước có khoảng 42 triệu xe mô tô, xe gắn máy, lượng xăng dầu phục vụ các phương tiện này tiêu tốn của xã hội mỗi ngày hàng ngàn tỷ đồng, xả ra môi trường hàng triệu lít khí thải độc hại. Mặt khác, mô tô, xe máy còn là loại phương tiện có vận tốc cao, là một trong những tác nhân quan trọng tạo nên con số 9.000 người chết vì TNGT mỗi năm. Nếu đặt XĐĐ bên cạnh mô tô, xe máy sẽ rất dễ dàng nhận thấy sự tương phản về tác dụng, tác hại của chúng với đời sống xã hội, với người tham gia giao thông. Bởi vậy, việc cổ vũ người dân sử dụng XĐĐ vừa là một biện pháp hữu hiệu để kéo giảm TNGT, tiết kiệm chi phí xã hội, vừa là một chiến lược lâu dài hướng đến xây dựng một môi trường xanh, cuộc sống xanh trong tương lai.

Không thể phủ nhận rằng chiếc XĐĐ mới chỉ phù hợp với môi trường giao thông nhỏ, chưa đủ sức để phục vụ nhu cầu đi lại với khoảng cách xa nên nó chưa đủ khả năng thay thế hoàn toàn xe mô tô, xe gắn máy. Ông Đặng Chí Nga - nguyên Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Tây cho rằng: “Nếu hình thành được một mạng lưới giao thông công cộng hoàn chỉnh, lớn mạnh, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu di chuyển với cự ly dài trong các TP cũng như liên tỉnh, cùng với sự phát triển của ô tô cá nhân, gia đình, XĐĐ sẽ có khả năng thay thế dần mô tô, xe máy, trở thành phương tiện chính của đại đa số người dân, đặc biệt là tại các TP lớn”.

Tăng cường quản lý

Do ngay từ đầu không nhìn rõ khả năng phát triển của XĐĐ nên các cơ quan chức năng đã buông lỏng việc quản lý, không yêu cầu đăng ký quyền sở hữu, không phân loại rõ ràng xe đạp - xe máy điện. Tới khi số lượng XĐĐ tăng chóng mặt, năm 2013, Bộ GTVT mới ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về XĐĐ số hiệu QCVN 68:2013/BGTVT; Năm 2015 mới có quy định bắt buộc người đi XĐĐ, bao gồm cả học sinh phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Nhưng cả quy định về đăng ký BKS lẫn sử dụng MBH đều gặp nhiều khó khăn khi áp dụng vào thực tế, kết quả đem lại không đáng kể. Hiện chỉ có khoảng 15% xe máy điện được đăng ký, người điều khiển XĐĐ, nhất là nhóm học sinh hầu hết không đội MBH khi lưu thông trên phương tiện này. Hiện chưa có một thống kê cụ thể nào về số vụ TNGT liên quan đến XĐĐ nhưng trong cuộc sống hàng ngày có thể thấy tai nạn xảy ra với XĐĐ là không hề ít. Trên các đường phố, hình ảnh người đi XĐĐ, đặc biệt là học sinh không đội MBH lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, dàn hàng ngang ngay trước mắt CSGT diễn ra mỗi ngày. Thế nhưng CSGT cũng như các lực lượng hữu trách khác thường “ngó lơ” vi phạm. Điều đó cho thấy ý thức quản lý XĐĐ và người sở hữu, sử dụng chúng ngay từ chính các lực lượng chức năng còn rất yếu, thiếu kiên quyết, nghiêm túc.

Đối với người sử dụng, do thấy vận tốc của XĐĐ thấp, lại ít bị kiểm tra, xử lý vi phạm nên phát sinh tâm lý chủ quan, cho rằng XĐĐ cũng chỉ như chiếc xe đạp thông thường, khả năng gây tai nạn thấp, không thuộc diện bị xử phạt. Đáng nói là chính sự hững hờ của cơ quan chức năng cùng tâm lý chủ quan, sai lệch của người dân lại tạo điều kiện cho XĐĐ phát triển nhanh về số lượng, khiến xã hội đang dần mất kiểm soát với loại phương tiện không khói này. Về tình trạng “thả nổi” hàng trăm ngàn phương tiện trên đường phố, xao lãng giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người sử dụng XĐĐ, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã nói: “Để ngăn ngừa nguy cơ TNGT cho người đi XĐĐ thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho họ. Đồng thời, cũng phải xem xét tăng chế tài xử lý vi phạm của đối tượng này”.

Theo KTĐT



Đang xử lý...