Thứ bảy , 23/11/2024  |  01:44  GMT+7

Hàng triệu thẻ tín dụng "ngủ đông"

08:29  Ngày 11/11/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệpChỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng, trong khi đó số lượng thẻ phát hành lên đến 86 triệu thẻ, cao hơn gấp 4 lần. Như vậy có nghĩa là số lượng thẻ thực sự hoạt động thấp hơn nhiều so với số thẻ đã phát hành.

Thống kê của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến năm 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đã đạt gần 86 triệu thẻ, tăng 30% so với cuối năm 2013. Trong đó, gần 90% là thẻ nội địa, 10% là thẻ quốc tế. Mặc dù số lượng thẻ ngân hàng phát hành tại Việt Nam đạt mức độ tăng trưởng tốt, nhưng lại đang có dấu hiệu lãng phí do không khai thác một cách hiệu quả.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng, trong khi đó số lượng thẻ phát hành lên đến 86 triệu thẻ, cao hơn gấp 4 lần. Như vậy có nghĩa là số lượng thẻ thực sự hoạt động thấp hơn nhiều so với số thẻ đã phát hành.

Và theo Tổ chức Banknet.vn, hiện có đến 50% số thẻ thanh toán đang lưu hành tại Việt Nam nhưng thực tế không hoạt động, không hề phát sinh bất cứ giao dịch nào. Hàng chục triệu thẻ đang trong tình trạng “ngủ đông” này chính là hệ quả từ cách làm ăn chụp giựt của các ngân hàng Việt Nam, chứ không phải phát triển theo nhu cầu của người sử dụng.

Rõ ràng có một sự lãng phí rất lớn, vì nếu chỉ tính trung bình chi phí phát hành một thẻ ở mức 3 - 5USD (60.000 - 100.000 đồng/thẻ, tùy từng loại thẻ), thì với hàng chục triệu thẻ không được sử dụng đã lãng phí số tiền không nhỏ.

Đó là chưa kể trên thực tế, phần lớn thẻ ngân hàng đang hoạt động cũng lại ít sử dụng những dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng mà chủ yếu để rút tiền mặt ở máy ATM (thống kê từ các ngân hàng: 90% thẻ được dùng để rút tiền mặt, 10% còn lại là dùng để thanh toán qua máy POS). Nếu người sử dụng chỉ dùng thẻ để rút tiền thì ngân hàng không chỉ không có cơ hội gia tăng doanh thu dịch vụ, mà còn rất lãng phí trong đầu tư công nghệ và các dịch vụ liên quan.

Về việc này, ông Lê Văn Tuyên, Trưởng phòng Phát triển thanh toán, Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cũng nhìn nhận: Mặc dù số lượng thẻ ngân hàng được phát hành số lượng lớn, hạ tầng cũng đã được các ngân hàng đầu tư khá bài bản nhưng thị trường thanh toán Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn lớn trong khu vực dân cư; tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán, tỷ lệ tiền mặt/GDP của Việt Nam nhìn chung vẫn còn khá cao so với các nước.

Theo ông Tuyên, các nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do độ bao phủ dịch vụ ngân hàng chưa đồng đều; dịch vụ thẻ được thiết kế chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế. Hiện thị trường có gần 8 triệu thẻ thanh toán quốc tế đang lưu hành với nhiều dòng sản phẩm có tính năng đa dạng cho nhiều đối tượng khách hàng, nhưng vẫn chưa được phổ cập đến đông đảo người dân. Trong khi đó, 90% thẻ nội địa còn lại được sử dụng rộng rãi nhưng lại không có nhiều dòng sản phẩm, các ngân hàng đều phát hành các loại thẻ có chức năng na ná nhau, tính năng hạn chế…

Vì thế, thay vì chạy đua trong việc phát hành thẻ thì các ngân hàng cần tối ưu hóa dịch vụ thẻ bằng cách gia tăng nhiều dịch vụ hẫp dẫn để thu hút khách hàng, đồng thời phải phổ cập đến đông đảo người dân biết và sử dụng. Bên cạnh đó, cần phát triển dịch vụ ngân hàng hướng đến nhu cầu của thị trường; các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phải được thiết kế đa dạng, tiện dụng, từ sản phẩm đơn giản phù hợp đối với đại đa số người dân đến các sản phẩm dịch vụ như tư vấn tài chính, quản lý tài sản dành cho các khách hàng cao cấp.

Việc nâng cao tính hiệu quả đối với các dịch vụ thẻ còn góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giảm dùng tiền mặt trong thanh toán, thay đổi được hành vi của người tiêu dùng. Và để người tiêu dùng Việt Nam chuyển từ thói quen dùng tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ thì việc sử dụng cũng như thanh toán qua thẻ trước tiên phải tiện ích và tiện dụng.

Theo SGGP

 



Đang xử lý...