Thứ năm , 21/11/2024  |  06:38  GMT+7

Cân nhắc chuyển từ gửi USD sang VND

08:20  Ngày 01/10/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệpNgày 30/9, tỷ giá VND/USD không có quá nhiều biến động. Vietcombank niêm yết tại mức mua vào 22.450 đồng/USD, bán ra 22.510 đồng/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với ngày 29/9. Tương tự, VietinBank cũng tăng 5 đồng ở cả hai chiều mua và bán, niêm yết ở mức 22.440 - 22.510 đồng/USD. Eximbank giữ nguyên mức mua vào 22.430 đồng/USD và bán ra 22.510 đồng/USD.

Đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, bước đầu có sự dịch chuyển từ USD sang tiền đồng. Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc VietinBank nhận định, với mức lãi suất huy động USD hiện nay, cùng với các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô khác, người dân và DN sẽ cân nhắc việc nắm giữ USD với lãi suất thấp hay chuyển một phần sang VND để phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn.

Thực tế cho thấy, hiện có khá nhiều người sau khi lãi suất USD giảm đã chuyển sang gửi tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn.  Chị Thu, ở Xã Đàn có người nhà ở nước ngoài gửi 10.000 USD dự định gửi NH hưởng lãi. Nhân viên thông báo lãi suất gửi USD từ ngày 28/9 chỉ còn 0,25% thay vì mức 0,75% như trước, còn tiền đồng nếu gửi 13 tháng được hưởng lãi 7,5%/năm. Sau một hồi đắn đo, cân nhắc, chị quyết định chuyển sang gửi tiền đồng kỳ hạn 13 tháng.

Trong khi đó, anh Thắng, ở Gia Lâm đang có sổ tiết kiệm 15.000 USD gửi tại một NH lớn nhưng hoàn toàn không có ý định rút ra để chuyển đổi sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn, vì theo anh, thông thường những tháng cuối năm, tỷ giá luôn có xu hướng tăng khiến VND mất giá nhiều hơn. Trên thực tế, nhiều người dân gửi USD không phải mục đích chủ yếu là nhận lãi mà để đảm bảo an toàn và tránh việc mất giá, vì họ cho rằng lãi suất gửi tiền đồng xấp xỉ 6%/năm, nhưng sự mất giá bao giờ cũng lớn hơn USD rất nhiều lần. Khi tiền đồng mất giá vài phần trăm so với USD thì lãi suất cũng không quá hấp dẫn so với khoản tiền gửi USD.

Còn với khách hàng là các tổ chức kinh tế, Bản tin phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, những DN gửi USD chủ yếu có nguồn thu bằng USD hoặc có nhu cầu tích trữ USD để thanh toán các đơn hàng máy móc và nguyên liệu nhập khẩu: “Việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD về mức 0% sẽ khó tạo ảnh hưởng đối với sự dịch chuyển từ tiết kiệm USD sang tiết kiệm bằng VND”.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc NH Á Châu: "Một khi người dân không mặn mà nắm giữ USD thì tất yếu sẽ có người bán lấy tiền đồng gửi NH, bởi các kênh khác cũng chưa thật sự khởi sắc. Tuy nhiên, vì việc giảm lãi suất tiền gửi USD mới áp dụng, có thể ghi nhận một số trường hợp chuyển USD sang tiền đồng nhưng chưa thể nói chính xác đó là xu hướng, mà cần phải đợi một thời gian ngắn mới đánh giá được".

Trên thực tế, việc giảm lãi suất, tiến tới ngừng huy động vốn bằng ngoại tệ đã được đặt ra từ lâu trong Đề án chống đô la hóa của Chính phủ. Không chỉ giảm lãi suất huy động USD về 0%, tới đây, NHNN có thể chấm dứt việc huy động và cho vay bằng ngoại tệ. Đây là những giải pháp cụ thể đã đề ra trong Đề án, dự kiến hoàn tất vào năm 2018.

Huy động ngoại tệ USD tăng 10,8%

Thống kê mới nhất của NHNN, từ đầu năm tới nay (8 tháng) huy động ngoại tệ bằng tiền USD tăng 10,8% (cùng kỳ năm ngoái tăng 3,8%). Riêng tháng 8, huy động ngoại tệ đã tăng 12,3% so với cùng kỳ. Trong khi cho vay ngoại tệ từ đầu năm tăng 5,7%; tháng 8 chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ. Nếu nhìn vào tốc độ tăng nhanh của huy động ngoại tệ (tăng tích trữ USD), có thể thấy nhiều người đã kỳ vọng vào sự tăng giá của đồng USD.

Theo KTĐT



Đang xử lý...