(Tìm nhanh doanh nghiệp) Theo quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), người dân muốn mua BHYT tự nguyện phải mua theo hộ gia đình.
Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, quy định này đang làm khó người dân. Vì vậy, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, sẽ nới thời gian thực hiện để người dân nắm được quy định và đồng thuận thực hiện BHYT theo hộ gia đình.
Làm khó người dân
Theo quy định trước đây, người dân chỉ cần có nhu cầu là có thể dễ dàng mua BHYT tự nguyện. Nhưng với quy định mới của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015), khi có nhu cầu, người dân bắt buộc phải mua BHYT cho cả gia đình (trừ người đã mua hoặc được cấp thẻ BHYT).
Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua BHYT sẽ đóng tối đa là 621.000 đồng. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi, mức đóng chỉ còn bằng 40% mức của người thứ nhất. Việc quy định tất cả thành viên trong gia đình tham gia, nhiều người cho rằng, cơ quan bảo hiểm đang “ép” người dân vào thế khó, tạo gánh nặng quá sức đối với nhiều hộ gia đình. Đơn cử, nếu gia đình có 5 người cùng mua BHYT thì sẽ phải chi khoảng 2 triệu đồng/năm. Số tiền này là rất lớn với nhiều hộ gia đình nông nghiệp khi thu nhập của họ bấp bênh, chỉ trông vào làm ruộng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội về công tác triển khai BHYT tại địa phương. Nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề BHYT theo hộ gia đình gây khó cho người dân. Chẳng hạn, nhiều trường hợp thoát ly gia đình, nhưng không tách hộ khẩu như du học sinh hoặc chuyển sang địa phương khác làm ăn sinh sống. Họ có nhu cầu mua BHYT tại nơi cư trú, nhưng không có cơ sở loại trừ khỏi diện tham gia BHYT theo hộ gia đình do cơ quan công an không xác nhận tạm vắng. Hay trường hợp hộ cận nghèo, TP hỗ trợ 70% chi phí, nhưng cũng gặp khó khăn khi phải bỏ ra 30% giá trị của thẻ để mua cho tất cả các thành viên trong gia đình… Chính vì vậy, tại nhiều địa phương, số lượng thẻ BHYT phát hành trong 3 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nới thời gian thực hiện
Theo ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, BHYT là hình thức bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng từ trước đến nay, đa số người dân Việt Nam đều “lựa chọn ngược”, là đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT. Sở dĩ phải “luật hóa” việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác. Điều này dẫn đến việc quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi; mục đích chia sẻ rủi ro của bảo hiểm chưa đạt được. “Do vậy trong hộ gia đình các thành viên phải có trách nhiệm đối với nhau, sau đó có trách nhiệm với cộng đồng, rồi từ đó cộng đồng mới có trách nhiệm với cá nhân” - ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận, sau khi quy định mua BHYT theo hộ gia đình có hiệu lực từ 1/1/2015, BHXH Việt Nam cũng đã nhận được những thông tin phán ánh về việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình rất phức tạp, thủ tục nhiều hơn khiến người dân bức xúc do phải chứng minh sự tham gia BHYT của từng thành viên. Do đó, BHXH Việt Nam đã có công văn hướng dẫn về việc thực hiện BHYT hộ gia đình đến BHXH các tỉnh, TP. Theo đó, đối với hộ gia đình tham gia BHYT đã có người tham gia BHYT tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 1/1/2015 tiếp tục tham gia BHYT thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại chưa tham gia BHYT, khi tham gia BHYT thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Còn từ 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT hộ gia đình.
Theo KTĐT
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 38/2015, quy định về thủ...
Đóng BHXH theo mức thu nhập; Tăng lương tối thiểu vùng; Thanh niên tình...
Dù Luật doanh nghiệp (DN) 2014 có nhiều nội dung cải cách mạnh về con dấu,...
Ngày 13/4, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội...
Đóng BHXH theo mức thu nhập; Tăng lương tối thiểu vùng; Thanh niên...