Chủ nhật , 19/05/2024  |  11:35  GMT+7

Trẩy hội ngày xuân

13:52  Ngày 26/02/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệpMùa xuân là mùa của lễ hội, mùa của những ước mong tốt đẹp nhất mà con người hướng tới. Đến với lễ hội, tâm linh con người gửi gắm đức tin về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Đến hẹn lại lên, hàng trăm lễ hội diễn ra khắp ba miền Bắc Trung Nam từ đầu tháng Giêng cho tới tận hết tháng 3 âm lịch. Lễ hội đầu xuân vừa là dịp để người Việt tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân tiên tổ, vừa để vui chơi giải trí sau một năm vất vả lo toan làm ăn. Đặc biệt người dân đến lễ hội với được thần linh chứng giám và phù hộ.

Lễ hội Chùa Hương

Chùa Hương, một trong những lễ hội lớn nhất của miền Bắc

Chùa Hương, một trong những lễ hội lớn nhất của miền Bắc

Hội Chùa Hương bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hạ tuần tháng Ba âm lịch tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đỉnh cao của lễ hội là từ ngày Rằm tháng Giêng đến ngày 18 tháng Hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay, nghi lễ “mở cửa rừng” hàm chứa ý nghĩa mới là “mở cửa chùa”.Phần lễ là toàn thể hệ thống tín ngưỡng gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam, có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật, có cả Nho. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Tại chùa Trong có lễ dâng hương gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Về phần hội, đến ngày chính hội làng tổ chức rước thần từ đền ra đình. Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn,… Chùa Hương là nơi hội tụ vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động, … Trẩy hội chùa Hương cả tâm hồn và thể xác đều được đắm sâu vào trong mây ngàn cỏ nội. Cuộc hành trình về nơi thờ Phật mang lại cho con người sự cân bằng trong tâm thức và thể lực.

Lễ hội Phủ Giầy

Lễ hội Phủ Giầy, Nam Định

Lễ hội Phủ Giầy, Nam Định

Là lễ hội tôn vinh Thái Mẫu Liễu Hạnh - một bậc "Thiên hạ mẫu nghi", vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu và là một vị Thánh trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Liễu Hạnh đã được phụng thờ ở nhiều nơi: Phủ Giầy, Phủ Tây Hồ, Phủ Sòng và rất nhiều các phủ, đền khác. Nhưng lễ hội Phủ Giầy là lễ hội lớn nhất và có tính quy mô nhất. Phủ Giầy là tên gọi của quần thể di tích thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Hàng năm hàng chục vạn trai thanh gái lịch vẫn từ muôn phương đổ về đây dập dìu trẩy hội, góp phần tăng thêm sự nổi tiếng cho lễ hội đặc sắc này. Hội kéo dài 10 ngày từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch. Đồ lễ phổ biến là hương, hoa quả tinh khiết đặt tại cung Đệ nhất thờ Mẫu. Đồ lễ mặn đặt tại ban Công Đồng và ban thờ các quan. Ngoài những hình thức lễ thông thường như ở các di tích tôn giáo khác như đặt lễ, thắp hương, khấn vái, xin âm dương, hóa vàng lễ ở các di tích thờ Mẫu nói chung và Phủ Giầy nói riêng có thêm hình thức đặc biệt là hầu đồng (hầu bóng). Hầu bóng gắn với hát văn và múa thiêng là hình thức lễ phổ biến nhất ở Phủ Giầy. Hát văn cùng với múa thiêng - những điệu múa mang đậm chất dân gian (múa sinh hoạt, múa chèo đò, múa hẻo...) đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho nghi lễ hầu bóng.

Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham dự

Lễ hội Yên Tử thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham dự

Là một lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Hằng năm, từ những ngày đầu tháng Giêng, du khách thập phương lại tấp nập về Hội xuân Yên Tử lễ Phật, du xuân cầu may, thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, thăm Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn "Dấu Thiêng Chùa Đồng" đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,… tưng bừng, nhộn nhịp. Lễ hội Yên Tử đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, chúng tăng, ni, phật tử ở trong và ngoài nước... về dự, thắp nén Tâm hương dâng lên lễ Phật, tri ân công Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, các Tổ Thiền Trúc Lâm, các bậc tiền bối hiền nhân suốt đời phụng đạo, vì nước, vì dân và vãn cảnh non thiêng, sơn thủy hữu tình. 

Lễ hội núi Bà Đen

Một phần kiến trúc của Núi Điện Bà, nơi tổ chức lễ hội hàng năm

Một phần kiến trúc của Núi Điện Bà, nơi tổ chức lễ hội hàng năm

Lễ hội núi Bà Đen diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Núi Bà thường được gọi là núi Bà Đen do truyền thuyết, có một người con gài tên là Đênh (sau này gọi chệch sang là Đen) sung Phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trân vùng Trảng Bàng, nàng Đênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”. Hàng năm vào dịp xuân về, từ chiều 30 Tết Nguyên Đán đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch du khách ở khắp các nơi đổ về hành hương, lễ bái và thăm quan du lịch, ngắm phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà. Trước ngày chính lễ những vị trụ trì Điện Bà tiến hành lễ “Mộc Dục” (Tắm Thánh) vào lúc nửa đêm ánh sáng trong nội điện lúc này được giảm tối đa. Lễ tắm Bà với 3 lần khăn lau, khăn phải được xông hương, tắm Bà bằng nước thơm nấu từ các loại hoa. Trong suốt ngày này tại Điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm hát bóng rối chào mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngủ sắc, múa đồ chơi (múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…). Ngày 5 là lễ chính thức của Bà cũng là ngày hội núi Bà. Nghi lễ quan trọng nhất là “Trình thập cúng” dâng lên Bà 10 món gồm hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu… Trong ngày này các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà. 

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ 

Tấp nập lễ hội Vía Bà Chúa Xứ

                                              Tấp nập lễ hội Vía Bà Chúa Xứ
Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc phía đông chân núi Sam cách thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) khoảng 5km về hướng Tây. Đây chính là địa điểm diễn ra lễ hội Vía Bà, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, lễ bái hàng năm. Bà Chúa Xứ Núi Sam là hiện thân của một người thuộc nữ giới, là mẫu (mẹ xứ sở) – dấu ấn của tôn giáo nguyên thủy đến nay vẫn còn đọng lại trong tâm thức con người. Đêm 23 tháng 4 làm lễ tắm và thay xiêm y cho tượng Bà. Nước tắm tượng là nước thơm, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho người dân hay khách trẩy hội và được coi như lá bùa hộ mệnh giúp cho người khỏe mạnh và trừ ma quỷ. Tiếp theo các lễ: Lễ rước bốn bài vị từ lăng Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà; Lễ Túc Yết được tiến hành theo trình tự: dâng hương, chúc tửu (rượu), hiến trà, đọc văn tế. Sau đó bài văn tế được hóa cùng với một ít giấy vàng bạc; Lễ Xây Chầu - Hát Bội do do một người sành nghi lễ và có uy tín làm tế tại miếu Bà thực hiện cùng đào kép hát bội cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; Lễ Chính Tế được tiến hành giống lễ Túc Yết. Chiều ngày 27/4 bài vị Thoại Ngọc Hầu được đưa về lăng. Chương trình hát bội cũng chấm dứt, kết thúc lễ vía Bà.

Phương Thảo



Đang xử lý...