(Tìm nhanh doanh nghiệp) Thí sinh có quyền được nộp phiếu xét tuyển vào 3 trường, đó là lý do khiến lượng thí sinh ảo trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ rất lớn.
Từ ngày 26-8 đến 7-9, thí sinh chưa trúng tuyển kỳ xét tuyển nguyện vọng 1 sẽ nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung, đợt 1. Ghi nhận những ngày đầu của đợt xét tuyển cho thấy số thí sinh đến nộp hồ sơ không nhiều.
Trường tư ngóng thí sinh
Tính đến 12 giờ ngày 27-8, Trường ĐH Hoa Sen mới nhận được 218 hồ sơ xét tuyển trong khi chỉ tiêu còn lại của trường là 820. Ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh của trường, cho biết đa phần thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào những ngành như quản trị khách sạn, kế toán, marketing, quản trị nhân lực và công nghệ thông tin. Các ngành còn lại thuộc khối khoa học và công nghệ, thí sinh nộp hồ sơ rất ít. Theo ông Bình, có thể các ngành khối khoa học và công nghệ học khó hơn nên thí sinh né dù trường còn tới 14 suất học bổng khuyến học cho thí sinh xét tuyển vào khối ngành này.
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trong 2 ngày đầu xét tuyển bổ sung đã có trên 480 thí sinh đăng ký xét tuyển với mức điểm chủ yếu từ 15-18, nhiều thí sinh có điểm trên 20. Thông tin từ nhà trường cho biết hiện vẫn còn hơn 3.000 chỉ tiêu cho các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) năm nay có 2.280 chỉ tiêu, trong đó trường dành một nửa để xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, còn lại xét học bạ. Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo, cho biết trường vẫn còn 50% chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Trong 2 ngày đầu mới có 300 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong các ngành đào tạo thì ngành dược, luật kinh tế, tiếng Nhật thuộc ngành Đông phương học, ngôn ngữ Anh, cơ điện, điện tử, tự động hóa đang là những ngành hút thí sinh nhất.
Tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trường còn hơn 50% chỉ tiêu, tương ứng khoảng 1.380. Trong 2 ngày nhận hồ sơ xét tuyển, trường mới nhận được 250 hồ sơ.
Đại diện các trường ĐH còn xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho rằng đợt 1 xét tuyển nguyện vọng bổ sung chỉ có 10 ngày nhưng tình hình tuyển sinh của các trường khá chậm. Có thể thí sinh còn chần chừ bởi đợt xét tuyển này, thí sinh đã nộp hồ sơ vào thì không được rút ra như kỳ xét tuyển nguyện vọng 1.
Thí sinh điểm càng cao càng lo ảo
Khác với xét tuyển nguyện vọng 1, ở kỳ xét tuyển nguyện vọng bổ sung, mỗi thí sinh có 3 giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào 3 trường, mỗi trường được đăng ký 4 ngành. Do vậy, trên lý thuyết, lượng hồ sơ ảo vào mỗi trường là 2/3.
PGS-TS Lê Hữu Lập, chuyên gia thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông, cho biết đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký 1 trường nhưng đã xuất hiện tình trạng ảo. Đợt này, thí sinh được đăng ký tới 3 trường, hồ sơ ảo sẽ xuất hiện không chỉ giữa các trường với nhau mà trong chính từng trường vì mỗi em được đăng ký 4 ngành. Một chuyên gia tuyển sinh tính toán rằng nếu thí sinh này đậu cả 3 trường nhưng chỉ được chọn 1 trường thì tỉ lệ ảo là gần 70%, nếu đậu 2 trường thì tỉ lệ ảo là 50%... Còn đối với hình thức nộp bản photocopy, nếu lỡ thí sinh không “trung thực”, nộp một lúc nhiều bản vào nhiều trường khác nhau thì tình trạng ảo còn cao hơn nữa.
Ông Nguyễn Hà Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho rằng ở đợt xét tuyển này, các trường chắc chắn phải có một lượng thí sinh ảo nhất định bởi thí sinh có thể nộp cùng lúc vào 3 trường. Đối với những trường như Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, điểm xét tuyển của thí sinh đa phần chỉ bằng điểm sàn và cao hơn không nhiều nên các em không còn “mộng mơ” nữa mà phải có sự cân nhắc trước khi nộp hồ sơ. Đối tượng này trường không lo ảo nhưng lại lo ảo đối với những thí sinh có điểm trên dưới 20 vì có thể các em đã ngóng trường khác nhưng sợ không chắc chắn.
PGS-TS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, phân tích với việc 1 thí sinh có tới 12 nguyện vọng này, rất nhiều trường sẽ rơi vào tình trạng gọi 1.000 thí sinh nhưng sẽ chỉ có vài trăm em đến. Để giữ chân thí sinh, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã quyết định cấp giấy chứng nhận trúng tuyển ngay khi thí sinh đến làm thủ tục nếu đủ điều kiện điểm xét tuyển theo yêu cầu của trường.
Khó tuyển đủ chỉ tiêu
Đại diện một trường ĐH ở TP HCM cho rằng nếu như ở đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các trường có một sự chắc chắn về số thí sinh đăng ký vào trường thì ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung này cơ hội chỉ là 1/3. Đối với những trường đã khẳng định được uy tín thì cơ hội tuyển sẽ tốt hơn nhưng với các trường tốp dưới thì rất khó tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 xét tuyển nguyện vọng bổ sung bởi ngay cả khi các em đã trúng tuyển thì chắc gì các em sẽ làm thủ tục nhập học đầy đủ. Kinh nghiệm ở những lần xét tuyển bổ sung các năm trước cũng tương tự như vậy.
Theo NLĐ
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại hội nghị tập...
Cách thức ra đề thi, cách sử dụng kết quả kì thi hay việc tổ chức thi theo...
Tình trạng này đang diễn ra đối với khối 12 ở nhiều trường THPT.
Bộ GD-ĐT vừa có bản do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 17/3...
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về mức thu học phí và miễn giảm học phí, hỗ...
Thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô đã và đang lên kế...