Thứ năm , 21/11/2024  |  02:08  GMT+7

Cảnh báo nguy cơ thương mại hóa hoạt động ngoại khóa trong trường học

10:22  Ngày 26/11/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệpThời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô đã và đang lên kế hoạch tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại cho học sinh (HS).

HS từ bậc mầm non đến bậc phổ thông đều hăng hái, háo hức với những hoạt động này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hình thức hoạt động ngoại khóa còn nhiều bất cập, dù là trải nghiệm nhưng đặt mục đích kinh tế chứ chưa vì HS.

Hiệu quả nếu lựa chọn phù hợp

Trong những năm trở lại đây, hình thức tham quan, dã ngoại là hoạt động rất bổ ích nằm trong chương trình giáo dục của các trường học từ mầm non cho tới trung học. Đây cũng là dịp để các em giao lưu, chia sẻ tình cảm với bạn bè và thầy cô giáo…

Học sinh tham gia vẽ tranh trong một buổi hoạt động ngoại khóa tại vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Địa điểm mỗi nhà trường lựa chọn khá đa dạng, từ tham quan các di tích lịch sử văn hóa tới các điểm du lịch sinh thái, trang trại… Như trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) chọn chương trình tham quan cho HS tại khu sinh thái Eco Garden Thái Dương (huyện Chương Mỹ); trường Tiểu học Kim Liên, trường Mầm non Kim Liên cho HS đến trang trại giáo dục Erahouse ở Giang Biên (huyện Gia Lâm). Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) và trường Tiểu học Đặng Trần Côn B (Thanh Xuân) khối 4, 5 tổ chức tham quan tại đền Đô, khối 1, 2 đi chơi, tham quan ở Royal City… Số tiền HS phải đóng cũng khác nhau, tùy theo địa điểm đi gần hay xa: Cách trường khoảng 30 - 40km từ 250.000 - 270.000 đồng, 3 - 15km từ 160.000 - 180.000 đồng…

Cô Nguyễn Mai Hương - giáo viên (GV) trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) chia sẻ, qua hoạt động tham quan, dã ngoại, HS không chỉ được trải nghiệm với thiên nhiên, mà còn được học hỏi những kỹ năng sống: "Hoạt động trải nghiệm ngoại khóa chỉ hiệu quả khi có lựa chọn phù hợp. Qua hoạt động thực tế của HS nhà trường, chúng tôi nhận thấy HS thích thú với thiên nhiên, các con được tìm hiểu đời sống vật nuôi tại trang trại. Đặc biệt, với những chuyến đi như thế, HS được học những điều bổ ích, biết giúp đỡ nhau". Cô Hương cũng cho biết, trước khi cho HS đi tham quan, nhà trường lên kế hoạch cụ thể, điểm đến nào phù hợp với HS, đồng thời cũng xin ý kiến của phụ huynh, được sự đồng thuận nhất trí của phụ huynh thì nhà trường mới tổ chức cho HS đi. Với những trường hợp HS có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường miễn phí để các con được cùng tham gia, hòa đồng với các bạn.

Đa số các trường nội thành tổ chức 2 lần/năm cho HS tham gia các hoạt động ngoại khóa (giữa học kỳ I, cuối năm học), trong khi các trường ở ngoại thành thường chỉ thực hiện các hoạt động này duy nhất vào dịp 26/3. Ông Nguyễn Đức Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) cho biết, trường chủ yếu tổ chức cho HS từ khối 4, 5 đi tham quan các di tích lịch sử quanh Hà Nội vào dịp 26/3. Nhà trường tổ chức có chọn lọc, không làm ồ ạt. Đối với HS khối lớp 1, 2 còn nhỏ, chỉ hướng dẫn và tổ chức tại lớp, tại trường các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ. “Dù rất vất vả mỗi khi tổ chức cho HS đi tham quan, nhưng vì HS nên chúng tôi quán triệt tới từng GV chủ nhiệm, hướng dẫn GV cách quản lý HS, hướng dẫn HS cụ thể. Trước khi tổ chức hoạt động này, nhà trường lên kế hoạch rất cụ thể: Cho HS tham quan không quá xa; giảm thiểu tối đa kinh phí; xin ý kiến phụ huynh…, sau đó trình Phòng Giáo dục huyện quyết định” - ông Dũng chia sẻ.

Chưa vì lợi ích của học sinh?

Dã ngoại là hoạt động rất bổ ích, song bên cạnh một số trường làm tốt công tác này, vẫn có những trường chưa thực sự vì HS. Cụ thể là tổ chức ồ ạt các tour tham quan không phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý HS; lơi là trong việc quản lý HS dẫn đến hậu quả nặng nề.

Cách đây hơn một năm, trong chuyến tham quan tại khu du lịch sinh thái Tây Thiên (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), một HS lớp 9 trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai) bị đuối nước. Trước đó, 3 học sinh lớp 6 trường THCS Đoàn Thị Điểm đã thiệt mạng khi tham quan tại khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà (huyện Ba Vì)… Những vụ việc đau lòng này đã khiến không ít phụ huynh tỏ ý lo ngại mỗi khi cho con tham gia dã ngoại cùng nhà trường.

Chất lượng các chuyến dã ngoại cũng là việc cần phải bàn. Một số phụ huynh cho biết, có trường mấy năm liền cho các con đi xem xiếc, xem rối nước, có trường lại nhiều lần tổ chức đến một điểm tham quan quen thuộc khiến các con nhàm chán. Hơn nữa, không phải chuyến dã ngoại nào cũng có được nhiều hoạt động bổ ích.

Một phụ huynh có con học lớp 4 trường Tiểu học Nguyễn Siêu cho biết, 2 năm nay, trường đều tổ chức cho HS đi xem múa rối nước, phí thu cao mà HS thì ngao ngán. “Trường thu mỗi HS 120.000 đồng, cả trường hàng ngàn HS, tiền thuê xe cộng tiền vé, giỏi mới hết nửa số tiền đóng, vậy số tiền còn lại “đi” đâu? Mang tiếng hoạt động ngoại khóa để HS được trải nghiệm, được vui vẻ, thoải mái sau những ngày học vất vả, thì năm nào cũng “nhốt” vào xem rối nước. Tổ chức kiểu này là để phục vụ trường, vì trường chứ đâu có vì HS” - vị phụ huynh này bức xúc.

Nhiều phụ huynh khi được hỏi đều có tâm trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị H., có con học trường Mầm non Kim Liên (Đống Đa) cho biết, vừa qua, trường cũng tổ chức cho HS đi dã ngoại ở trang trại Erahouse. “Đối với bậc mầm non (4 tuổi) mà trường tổ chức cho đi trang trại, cho trồng cây, bắt cá là không hợp lý, không phù hợp lứa tuổi. Bản thân con trai tôi sau khi đi tham quan về bị ốm cả tuần. Đối với lứa tuổi này chỉ nên cho đi xem xiếc, đi thăm vườn thú, hoặc tổ chức các trò chơi tại lớp thì hợp lý hơn. Nhà trường tổ chức nên vì HS, đừng vì lợi ích người lớn mà làm tội con trẻ”.

Một GV dạy bậc THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy khẳng định, việc tổ chức ngoại khóa cho HS là cần thiết, để HS có thời gian giải trí sau những ngày học tập căng thẳng. Tuy nhiên, khá nhiều trường từ tổ chức tham quan, dã ngoại cho cả GV đến HS đều liên kết với các công ty du lịch, đáng nói, đằng sau các ký kết này, nhà trường đều có "khoản ABC"…, làm chỉ vì lợi nhuận, chứ chưa thực sự vì lợi ích của HS.

Chia sẻ những bất cập trên, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, các hoạt động ngoại khóa cho trẻ có thêm tình cảm yêu thiên nhiên, cuộc sống, 4 bức tường không giúp HS có được điều này. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập mà các nhà trường phải xem xét, quan tâm: “Cần xem xét mọi hình thức giáo dục, cần căn cứ vào tâm lý, sức khỏe HS và lấy an toàn cho HS lên hàng đầu. Cách tổ chức phải phù hợp với lứa tuổi, vì HS rất dễ bị ảnh hưởng sức khỏe, và hiếu động dễ mất an toàn, cần lường trước để có phương án phòng ngừa. Đối với trẻ nhỏ (mầm non), chỉ cần GV dạy, làm các trò chơi ở lớp, hoặc cho đi thăm vườn thú, xiếc… Đi trang trại chỉ phù hợp với HS lớn. Ngoài ra, để phụ huynh thấy được hiệu quả giáo dục và kinh tế là phù hợp chứ không phải là thương mại hóa hoạt động dã ngoại. Không thể dã ngoại theo kiểu thả HS lang thang, vất vưởng chờ đến giờ về, không có hiệu quả, ý nghĩa giáo dục”.  

Theo KTĐT



Đang xử lý...