Thứ ba , 03/12/2024  |  08:54  GMT+7

Cần cảnh giác với thương lái Trung Quốc

16:24  Ngày 24/03/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệp) Dồn dập gom hàng với giá cao rồi đột nhiên ngưng mua, không ít thương lái Trung Quốc đã nhiều lần khiến nông dân Việt Nam phải ôm hận.

Thương lái Trung Quốc đã mua không biết bao thứ từ sừng, móng trâu bò, ốc bươu vàng, gỗ sưa, dứa, dừa non, rễ sim, hoa ngâu, lá cây phong ba, hạt chè, xơ dừa đến đuôi trâu, phân trâu, đỉa khô, ong bầu…Dù không rõ “Trung Quốc mua những thứ đó để làm gì” nhưng người dân Việt vẫn ham lợi trước mắt để tình trạng ồ ạt gom hàng, tận diệt hệ sinh thái, thúc đẩy sinh vật ngoại lai có hại để phục vụ các thương lái Trung Quốc vẫn không dứt. 

Cách đây hơn 2 năm, lúc đó, mỗi ngày có hàng chục người ra tận cánh đồng Bầu Tròn, Quảng Nam để thu mua ớt xanh về bán cho đầu nậu Trung Quốc. Thấy ớt tươi được giá, 1 kg ớt tươi có giá 18.000 đồng nên nhiều nông dân đã đua nhau phá bỏ vườn bầu, khổ qua… để chuyển sang trồng ớt. Thấy bắt tay với Trung Quốc dễ kiếm lời, nhiều thương lái Việt bỏ vốn gom hàng bán lại cho các đầu nậu Trung Quốc. Tuy nhiên chẳng được bao lâu, thương lái Trung Quốc bỗng dừng mua ớt xanh, khiến cả nông dân lẫn thương lái Việt đều ôm quả đắng.

Thương lái Trung Quốc cũng đã từng ào ào sang Việt Nam thu mua đỉa giá cao (từ 1-2 triệu đồng/kg đỉa khô). Việc thu mua đỉa ào ạt của Trung Quốc khiến người dân không chỉ đi bắt mà còn thi nhau nuôi đỉa. Đầu tháng 8/2012, người dân xóm 10 (P. Đại Nài, TP. Hà Tĩnh) rộ lên phong trào săn ong bầu để bán cho đầu nậu, xuất sang Trung Quốc. Theo yêu cầu từ phía Trung Quốc, ong bầu khi đánh bắt về phải làm chết rồi phơi nắng. Đủ 3 buổi nắng thì có thể thu mua. Mỗi cân ong tươi có giá 500.000 đồng, còn đối với ong bầu được phơi khô thì có giá gấp đôi (1 triệu đồng/kg). Nhiều người dân nơi đây không hiểu ong bầu có giá trị gì, chỉ biết có nơi thu mua, hướng dẫn bí quyết săn bắt ong là đổ xô đi học hỏi rồi sắm vợt đi bắt. Loài ong chuyên thụ phấn cây trồng bỗng chốc bị săn bắt bị săn bắt tận diệt. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn tận thu cây hải đường, lá điều khô, khoai lang, mua gạo giá cao, dứa, sầu riêng non, hạt na... mà hầu hết đều có căn nguyên của nó. Đối với việc thu mua gạo của Trung Quốc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, đây có thể là cách để thương lái Trung Quốc thôn tính thị trường. Họ có tiền nên khi ồ ạt thu mua một loại lúa nào đó là ngay lập tức đẩy giá lên cao. Khi giá lên cao, họ lại bỏ không mua, khiến thị trường rối loạn. Còn thu mua lá điều khô, theo các chuyên gia, mỗi năm điều rụng lá một lần. Khi lá khô rụng xuống sẽ che phủ rễ điều, chống xói mòn. Nếu lá điều khô bị gom sạch sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt dinh dưỡng trong đất, làm giảm chất lượng, năng suất trái...

Gần đây, tại Hậu Giang và Tiền Giang thời gian gần đây xuất hiện một số tiểu thương lạ mặt thu mua lá mãng cầu xiêm, thu mua trái mây tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông. Để tránh thiệt hại về kinh tế, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân nên đề cao cảnh giác, không nên vì cái lợi trước mắt mà mở rộng quy mô sản xuất chỉ để phục vụ thương lái Trung Quốc. Bởi đây có thể là chiêu trò của các thương lái Trung Quốc như các trường hợp từng xảy ra trước đây. 

Anh Bền (tổng hợp)



Đang xử lý...