(Tìm nhanh doanh nghiệp) Duy trì hay tách kỳ thi quốc gia “hai trong một”?Ngay sau khi Bộ GD-ĐT vừa hoàn thành việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên, nhiều chuyên gia lại kiến nghị bộ nên ngừng ngay việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”.
Nên tách kỳ thi “hai trong một” như những đề xuất, hay duy trì kỳ thi với cải tiến phù hợp hơn?
Nhiều chuyên gia giáo dục và đại diện các cơ sở giáo dục ĐH đã chia sẻ quan điểm.
* GS Phạm Minh Hạc (chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT):
Để không phải tốn hàng trăm tỉ đồng mỗi năm...
Phải nhấn mạnh rằng thi tốt nghiệp có tính chất hoàn toàn khác thi tuyển ĐH, CĐ, không thể đồng nhất được. Cũng đừng lấy lý do kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ lâu nay bộ làm tốt nên cứ để bộ làm.
Đã là năm 2015, luật lệ đã đầy đủ, có thể đó là việc trước đây bộ làm tốt nhưng không thể làm mãi thế được, không thể cố ôm đồm theo hướng không đúng bản chất của một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục được.
Ở các nước, đến một thời điểm nào đó, thi tốt nghiệp THPT đều được thi tại trường, còn tuyển sinh ĐH cũng lại do các trường ĐH tự xét tuyển. Tại Việt Nam, Luật giáo dục ĐH cũng đã quy định trường ĐH được tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Như vậy, học sinh lớp 12 học ở đâu sẽ thi tốt nghiệp tại đó. Còn nếu các em muốn xét tuyển vào trường ĐH, CĐ nào thì tự nộp đơn, tự đi thi và trường ĐH tự tuyển theo chỉ tiêu đã xác định từ trước.
Làm cách này, Nhà nước sẽ không còn tốn 300 tỉ đồng cho kỳ thi nữa, và Bộ GD-ĐT cũng không còn phải ôm đồm những công việc không thuộc phạm trù của cơ quan quản lý nhà nước, không đứng ra thực hiện thay công việc của cơ sở đào tạo.
* GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD, TTN&NĐ của Quốc hội):
Nên làm sớm vì đằng nào cũng phải tách
Cần phải tách việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH ra khỏi một kỳ thi chung, vì dù đây là hai việc có quan hệ với nhau nhưng lại khác nhau hoàn toàn về bản chất. Nhất là khi Luật giáo dục ĐH đã quy định các trường ĐH, CĐ được tự chủ, thì trước hết các trường phải được tự chủ về tuyển sinh đầu vào. Khi đã thấy đằng nào cũng phải tách kỳ thi “hai trong một” hiện nay ra thì nên tách ra càng sớm càng tốt.
Việc tách kỳ thi “hai trong một” ra là tất yếu, trả việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương, trả quyền tự chủ tuyển sinh cho trường ĐH là phương án tối ưu. Còn nếu Bộ GD-ĐT cứ “ôm” kỳ thi quốc gia, thì dù cải tiến đi cải tiến lại kiểu gì cũng trục trặc.
Như vậy, việc thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT nên để cho các sở GD-ĐT tổ chức. Đó là công việc đúng chức năng của sở, vì họ chính là đơn vị cấp bằng. Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia theo cách học sinh đi thi ở một cụm thi do trường ĐH nào đó chủ trì, rồi quay lại để sở cấp bằng, xét về mặt pháp lý là không ổn. Khi đó, sở GD-ĐT đâu có căn cứ để chịu trách nhiệm về kết quả thi của người được cấp bằng?
Riêng về tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường cần được quyết định phương án riêng cho mình. Có thể trường tổ chức thi độc lập, hoặc tổ chức thi liên kết các trường thành cụm, hoặc chỉ cần căn cứ vào kết quả phổ thông để xét. Đó là quyền của mỗi trường.
Cách tuyển sinh của nhà trường cũng chính là một “kênh” để xã hội đánh giá chất lượng của nhà trường. Để làm giảm tốn kém cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ theo cách này là khuyến khích các trường thi theo nhóm trường, sử dụng kết quả chung trong xét tuyển. Việc một số trường xét tuyển qua học bạ cũng là cách giảm tốn kém.
* TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM):
Một kỳ thi nhưng nên chú trọng mục đích xét tuyển ĐH, CĐ
Việc đổi mới trong năm 2015 giúp giảm bớt một kỳ thi quốc gia, kết quả kỳ thi là cơ sở đáng tin cậy để các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Còn hạn chế của kỳ thi “hai trong một” là việc tổ chức thi chưa thật sự thuận lợi nhất cho thí sinh.
Dù có nhiều cụm thi nhưng thí sinh phải đi xa từ địa phương này sang địa phương khác, trong khi cũng có những thí sinh được thi ngay tại địa phương của mình, tạo ra sự không công bằng đối với tất cả thí sinh. Vì vậy, bộ cần tổ chức nhiều hơn nữa các cụm thi, và cho phép thí sinh được chọn cụm thi phù hợp. Bộ GD-ĐT phân công các sở GD-ĐT phối hợp với các trường ĐH tổ chức thi để đảm bảo độ tin cậy của kỳ thi.
Về đề thi, với hai mục đích vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy nên quan tâm tới mục tiêu xét tuyển ĐH, CĐ và phân loại thí sinh theo hướng tinh, hơn là mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Việc xét tốt nghiệp THPT phải dựa nhiều vào kết quả học tập phổ thông của học sinh.
* TS Nguyễn Quốc Chính (trưởng ban ĐH và sau ĐH - ĐHQG TP.HCM):
Cần có trung tâm lo việc tổ chức kỳ thi quốc gia
Kỳ thi này phải được Bộ GD-ĐT chủ trì. Sắp tới Bộ GD-ĐT cần chuyên nghiệp hóa kỳ thi bằng cách giao cho Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục lập ra một trung tâm chỉ lo việc này.
Theo tôi, cần tiếp tục triển khai phương thức tổ chức một kỳ thi để đánh giá năng lực học sinh, sử dụng kết quả cho hai mục đích - xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo đó chỉ tổ chức một loại cụm thi. Tiếp tục tổ chức các cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH phối hợp với các sở GD-ĐT tổ chức. Đồng thời hoàn thiện công tác nhận và xử lý hồ sơ của thí sinh, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu, khâu quản lý, công bố kết quả thi, chia sẻ dữ liệu thi THPT quốc gia.
Về việc sử dụng kết quả kỳ thi “hai trong một”, nên giảm tỉ lệ sử dụng kết quả thi THPT trong xét tốt nghiệp (30% thay vì 50% như năm 2015) để thể hiện rõ quan điểm “đánh giá quá trình” trong giáo dục phổ thông, đồng thời giảm áp lực thi cử cho các thí sinh chỉ thi để lấy kết quả tốt nghiệp THPT.
Về công tác ra đề thi, cần có đánh giá một cách khoa học đề thi của năm trước (xác định độ khó, độ phân loại của từng câu hỏi trắc nghiệm...); tiến đến các cải tiến về kỹ thuật ra đề thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi với các câu hỏi trắc nghiệm được đánh giá trước khi sử dụng. Đề thi với hai mục đích nhưng chỉ cần một phần nhỏ vào việc xét tốt nghiệp THPT.
Về công tác xét tuyển, cần giao quyền tự chủ xét tuyển cho các trường, đồng thời tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ GD-ĐT đóng vai trò điều phối thông qua việc ban hành các điều kiện đảm bảo chất lượng, quy định các đợt xét tuyển và phương thức xét tuyển thống nhất; hỗ trợ quá trình xét tuyển thông qua việc chia sẻ cơ sở dữ liệu kết quả thi THPT quốc gia. Sau kỳ thi THPT quốc gia, kết quả thi được quản lý tập trung tương tự như năm 2015, nhưng được chia sẻ rộng rãi cho các trường.
* TS Trần Đình Lý (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Về lâu dài chỉ cần một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ
Nếu năm nay cần điều chỉnh thì Bộ GD-ĐT nên đưa ra chính sách, chỉ đạo thật tốt việc thi “hai trong một”. Đến công đoạn công bố kết quả và xét tuyển thì nên giao cho các cụm thi và các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Như vậy bộ vừa đỡ mệt mỏi như vừa qua, các trường cũng không quá bị động, loay hoay với những việc mang tên sự vụ nhiều quá.
Xa hơn, cần nghiên cứu đến việc chỉ nên tổ chức một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thôi. Việc học sinh tốt nghiệp THPT chỉ cần thông qua việc xét kết quả học hành của các em. Đồng thời, việc xét tuyển phải nên do các trường tự giải quyết tùy theo đặc thù của trường, ngành. Làm sao để cuộc tuyển chọn này theo nguyên tắc phân biệt cho rõ và cạnh tranh về điểm cao hay thấp, chứ không cạnh tranh về thời gian.
Theo Tuổi trẻ
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại hội nghị tập...
Cách thức ra đề thi, cách sử dụng kết quả kì thi hay việc tổ chức thi theo...
Tình trạng này đang diễn ra đối với khối 12 ở nhiều trường THPT.
Bộ GD-ĐT vừa có bản do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 17/3...
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về mức thu học phí và miễn giảm học phí, hỗ...
Thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô đã và đang lên kế...