(Tìm nhanh doanh nghiệp) Những ngày cuối tuần qua, đặc biệt là thứ Bảy và Chủ nhật, rất nhiều thí sinh (TS) và phụ huynh lao vào cuộc đua chọn ngành, chọn trường. Thắc thỏm, lo âu và đầy hoang mang, tựa như bước vào một canh bạc mà không biết chắc thắng - thua.
28 điểm liệu có đỗ?
Sáng thứ Bảy, tại khu vực nhận hồ sơ của Đại học (ĐH) Y Hà Nội, nhiều người giật mình khi nghe một TS hỏi: “Em được 28 điểm, liệu có đỗ vào ngành Y đa khoa không?”. Mặc dù đã được trả lời là đứng trong top an toàn cao, và được các thầy cô tư vấn có nhiều khả năng đỗ, TS này vẫn ngồi rất lâu trong phòng nộp hồ sơ để suy nghĩ và chờ câu trả lời của bố từ điện thoại. Cuối cùng em cũng đăng ký vào ngành hot nhất của trường, nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm.
Thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ xét tuyển tại Đại học Thủy lợi.
Đúng như phán đoán của nhiều chuyên gia giáo dục, gần đến giai đoạn cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng1, lượng TS đến nộp - rút hồ sơ ở nhiều trường rất đông. Điển hình là ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông… Song sự bất an trong quyết định chọn ngành, chọn trường vẫn không “nhẹ” đi, mà thậm chí còn tăng thêm.
GS Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi nói: Việc tư vấn cho TS nộp hồ sơ vào ngành nào rất khó. Bởi những ngày cuối, TS nộp vào nhiều, rút ra cũng lắm. Chỉ mong TS và gia đình có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rút, nộp để tránh rủi ro thấp nhất có thể xảy ra.
Suy nghĩ của nhiều TS và phụ huynh trong những ngày cuối khi nộp - rút hồ sơ được ví như nông dân chơi chứng khoán. Bởi vậy, 2 ngày cuối tuần, có lúc lượng TS đến nộp - rút hồ sơ ở một số trường top đầu và giữa ngang nhau. Nguyễn Thị Thúy Hằng (huyện Thanh Chương, Nghệ An), vừa rút hồ sơ đăng ký ngành Răng - Hàm - Mặt, vừa buồn rầu cho biết: “Em được 26,75 điểm. Từ ngày 5/8, một mình em đi từ quê ra Hà Nội để nộp hồ sơ. Hơn 10 ngày, em phải ở nhà trọ, suốt ngày vào mạng cập nhật thông tin TS đăng ký. Tối qua, em thấy mình đứng ở vị trí 75, trong khi chỉ tiêu ngành là 80 nên đành phải rút hồ sơ ra”. Dù biết thời gian không còn nhiều, nhưng Hằng vẫn phải về Nghệ An xin tiền gia đình và nhờ người nhà đưa đến ĐH Y dược - ĐH Huế. “Hiện giờ với số điểm của em đứng ở vị trí 230 trên 600 chỉ tiêu ngành Răng - Hàm - Mặt của trường này nên khả năng đỗ là khá cao. Mà bố mẹ luôn gọi điện nhắc: Con cố gắng đừng để thi lại, vì không biết năm sau sẽ thay đổi kiểu gì!” - Hằng chia sẻ.
Rất nhiều TS sau nhiều ngày suy trước tính sau cũng phải đến các trường ĐH top đầu rút hồ sơ. Những trường hợp này mặc dù có điểm cao hơn từ 1,5 - 3 điểm so với điểm trúng tuyển năm trước theo ngành đăng ký, nhưng cuối cùng cũng đành “chào thua” vì có nhiều TS khác điểm cao hơn đang đến nộp hồ sơ.
Chạy đua từ trường này sang trường khác
TS được điểm cao lo trượt, TS được điểm trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT quy định từ 1 - 2 điểm cũng lo lắng không kém. Gần 11 giờ 30 ngày thứ Bảy, con gái của anh Bùi Sỹ Dinh bước ra khỏi cổng trường ĐH Công đoàn, giọng mệt mỏi: “Bố ơi, người ta hẹn đầu giờ chiều đến nhận hồ sơ, vì nhiều bạn rút quá nên họ không thể giải quyết ngay!”. Thương con nhưng cũng chẳng có cách nào hơn là chờ, anh Dinh tâm sự: “Cứ tưởng con được 17 điểm, đăng ký vào trường top giữa là an toàn, nào ngờ... Cũng bởi nhà trường thông tin số liệu đăng ký lộn xộn, xếp điểm cao, thấp lung tung, lại đưa cả 4 nguyện vọng, 3 ngày mới cập nhật một lần nên bố con tôi không biết lọc làm sao. Có lẽ ngày mai, bố con tôi đến ĐH Lao động Xã hội đăng ký ngành Kế toán vì họ tuyển 700 chỉ tiêu. Chúng tôi phải cố thủ ở Hà Nội thôi”.
Ở quê xa, thông tin không được cập nhật đầy đủ, không quen đường, nên nhiều TS đến trường muộn, đành đứng chờ qua trưa. Khuôn mặt phờ phạc vì đi từ Việt Trì xuống Hà Nội hết gần 4 tiếng, Bùi Thị Bích Phượng chia sẻ: “Từ ngày 6/8, em gửi hồ sơ đăng ký ngành Luật, ĐH Công đoàn qua đường bưu điện, nhưng đến 15/8 vẫn chưa thấy tên trong danh sách. Vì thế, bố con em đến trường hỏi tình hình, rồi rút hồ sơ nộp sang ngành khác của Học viện Phụ nữ Việt Nam, mặc dù em không thích”.
Qua tìm hiểu cho thấy, cuộc chạy đua giữa các TS điểm cao và điểm thấp thể hiện rất rõ. Nhiều TS đăng ký ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội không trong top an toàn “chạy” sang ngành này của Học viện Bưu chính Viễn thông. Và TS ở top “nguy hiểm” của Học viện Bưu chính Viễn thông lại “chạy” sang ĐH Thủy lợi và ĐH Mở Hà Nội. Hay, nhiều TS đăng ký ngành Luật ở ĐH Luật Hà Nội trong top không an toàn rút hồ sơ “chạy” sang ĐH Công đoàn, khiến TS gần cuối chỉ tiêu của ngành Luật của ĐH Công đoàn lại phải tất tả “chạy” sang ngành này của ĐH Lao động Xã hội...
Những ngày này, dù phải làm việc nhiều giờ liên tục, kể cả Chủ nhật, nhưng đa số cán bộ tư vấn đều nhiệt tình giải thích cho TS hiểu. Tuy nhiên ai nấy đều khá mệt mỏi. Như một cán bộ ở trường top đầu than phiền: “Chúng tôi đã khuyên điểm của em này cao, khả năng nằm trong top an toàn, nhưng em ấy cứ nằng nặc đòi rút hồ sơ. Có em điểm rất cao nhưng lại tiếp tục chờ vì sợ nộp bây giờ thì vài hôm sau lại phải rút. Tôi chỉ muốn sang năm, Bộ thực hiện thi theo "3 chung", thời gian xét tuyển nên rút ngắn lại. Chúng tôi còn bao nhiêu việc phải làm chứ đâu chỉ đi tư vấn!”.
Theo KTĐT
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại hội nghị tập...
Cách thức ra đề thi, cách sử dụng kết quả kì thi hay việc tổ chức thi theo...
Tình trạng này đang diễn ra đối với khối 12 ở nhiều trường THPT.
Bộ GD-ĐT vừa có bản do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 17/3...
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về mức thu học phí và miễn giảm học phí, hỗ...
Thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô đã và đang lên kế...