Thứ bảy , 23/11/2024  |  00:24  GMT+7

Tại sao doanh nghiệp phải chung chi "tiền đen" cho hải quan?

10:13  Ngày 13/11/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệpTại sao doanh nghiệp phải chi “tiền đen” cho cán bộ hải quan?  Không chi “tiền đen”, khó làm thủ tục hải quan. Cục Hải quan TP.HCM bị kêu nhiều nhất với tỉ lệ này lên tới hơn 53%.

Khoảng 28% số doanh nghiệp (DN) được khảo sát cho biết phải chi “tiền đen” cho cán bộ hải quan, trong đó Cục Hải quan TP.HCM bị kêu nhiều nhất với tỉ lệ này lên tới hơn 53%, chưa kể nhiều thủ tục rắc rối, gây khó cho hoạt động xuất nhập khẩu…

Đó là một số kết quả khảo sát đánh giá của DN về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) thực hiện và công bố vào ngày 12-11.

28% DN phải trả chi phí “đen”

Theo ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế VCCI, phần lớn DN tham gia khảo sát cho biết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan sẵn có, dễ tìm. Tuy nhiên, vẫn còn tới 20% DN phàn nàn rằng quá phức tạp, khó hiểu. Đặc biệt, 28% DN cho biết đã phải trả chi phí không chính thức, còn 37% DN không trả lời.

Cũng theo khảo sát, các cục hải quan lớn tại các tỉnh thành trọng điểm kinh tế lại nằm trong nhóm mà DN cho biết phải trả chi phí không chính thức cao. Chẳng hạn, 53,35% DN cho biết đã phải trả chi phí không chính thức ở Cục Hải quan TP.HCM. 31% DN cho biết nếu không trả chi phí “đen” sẽ bị phân biệt đối xử như kéo dài thời gian làm thủ tục, bổ sung những giấy tờ, chứng từ không có trong quy định...

Với 6 nhóm thủ tục hành chính hải quan (thông quan, xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo), có tới 30% DN đánh giá rất khó thực hiện với thủ tục hoàn thuế, không thu thuế và xét miễn thuế.

Trong đó, Cục Hải quan Kiên Giang bị kêu nhiều nhất khi có tới 50% số DN cho rằng gặp khó trong việc hoàn thuế. Đối với thủ tục xét miễn thuế, 35% DN kêu thực hiện ở Cục Hải quan Quảng Ngãi là khó, trong khi tỉ lệ này ở Cục Hải quan Cà Mau chỉ là 5%.

Theo kết quả khảo sát, khi thực hiện thủ tục thông quan, DN cũng gặp khó khăn rất lớn khi 73% DN kêu nhiều biểu mẫu khai báo và hay thay đổi; 31% DN phản hồi là bị cơ quan hải quan yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định.

Thậm chí, DN còn gặp khó khăn khi không được cán bộ hải quan hướng dẫn đầy đủ, tận tình khi thực hiện thủ tục này. Đánh giá sự phục vụ của công chức hải quan, 55-61% DN cho biết việc thực hiện kỷ cương của cán bộ hải quan ở mức bình thường.

Nguồn: Phòng Thương mại và công nghiệp VN.

Thủ tục còn phiền hà

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia hải quan, đánh giá rằng những con số trên cho thấy DN vẫn thật sự gặp khó khăn, khổ sở khi thực hiện thủ tục hải quan.

Là người tập hợp ý kiến, kiến nghị của DN cho báo cáo, ông Bình cho hay trong số hơn 3.100 DN phản hồi, có gần 1.000 phản ánh những vướng mắc liên quan đến 4 lĩnh vực gồm: thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan; thuế, phí; phương thức phương tiện quản lý hải quan; chính sách pháp luật quản lý chuyên ngành.

Tuy nhiên, những vướng mắc tập trung chủ yếu về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và quản lý hải quan chiếm tới 42% tổng số kiến nghị của DN.

Nhiều DN cũng cho rằng Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về thủ tục. Có nhiều thông tư vừa ban hành đã được thay đổi bằng một văn bản khác. Chuyện kiểm tra sau thông quan cũng còn rất nhiều bất cập như kiểm tra cả những tờ khai đã được kiểm tra thực tế.

Một số đơn vị hải quan tổ chức địa điểm làm thủ tục chưa hợp lý, làm khó cho DN như bố trí ở những phố cấm xe tải lưu thông trong giờ hành chính, quy định xuất nhập khẩu ở cảng nào thì phải làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan đó...

Theo ông Bình, có nhiều thay đổi, cải tiến trong chính sách hải quan như quy định về kiểm tra trước hoàn thuế sau giúp DN được hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, tiêu chí phân loại quản lý rủi ro chưa phù hợp.

Chẳng hạn, hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành được đưa vào luồng vàng (kiểm tra chứng từ, hồ sơ) và luồng đỏ (kiểm tra 100% lô hàng), khiến tỉ lệ hàng bị kiểm tra tăng lên rất nhiều, chiếm 35% tổng số lô hàng.

“Tại sao hàng quản lý chuyên ngành đã được một cơ quan nhà nước giám sát, kiểm tra rồi mà cơ quan hải quan lại quản lý nữa?”, ông Bình đặt câu hỏi. Thủ tục hoàn thuế cũng rất rườm rà, rối mù nhiêu khê. “Là người có 30 năm làm trong ngành hải quan mà đọc nhiều khi cũng thấy rối hết cả đầu chứ nói gì đến DN”, ông Bình nói.

Về tham vấn giá, nhiều DN phản ảnh lần nào cũng nhập mặt hàng đó nhưng đều phải tham vấn giá và thực hiện không thống nhất giữa các cơ quan hải quan, cán bộ hải quan. Đây cũng là câu chuyện mà nhiều DN kêu bị phiền hà.

“Có DN nhập một lô hàng, hải quan cửa khẩu xác định thuế nhập khẩu là 5%, nhưng khi đưa đi phân tích phân loại thì lô hàng áp mã số có thuế là 0%, kiểm tra thông quan lại xác định mã có mức thuế là 9%. Để hàng hóa lưu thông, DN phải nộp thuế nhưng giờ không biết làm thế nào”, ông Bình cho biết.

DN sẽ không còn lo chuyện hoàn thuế

Sau khi lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của chuyên gia và nhóm khảo sát, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, thừa nhận báo cáo phản ánh tương đối đúng tình hình về ngành hải quan hiện nay.

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Tài chính rất đồng tình với phản ánh về sự khác nhau trong áp mã hàng hóa, nhưng thực chất đây là mức thuế.

“Khi còn 49 mức thuế như hiện nay, hàng hóa có tính chất như nhau, thay thế cho nhau nhưng lại có chênh lệch mức thuế 2-3 lần thì còn tạo khe hở cho gian lận thương mại, tiêu cực, sách nhiễu và cản trở thủ tục hành chính”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, để giải quyết căn cơ vấn đề này, trong Luật thuế xuất nhập khẩu sắp được thông qua, hàng hóa có tính chất như nhau phải có một mức thuế, tránh trường hợp phôi thép hình vuông có mức thuế là 5%, không phải hình vuông thì chịu mức thuế 9%. Về việc hàng hóa luồng vàng và luồng đỏ gia tăng, ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính cũng nhắc nhở một chi cục hải quan về việc này.

Liên quan đến thời gian hoàn thuế, ông Tuấn cho biết một trong những điểm quan trọng trong Luật thuế xuất nhập khẩu lần này là không thu thuế và hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất rồi xuất khẩu.

Nếu Luật thuế xuất nhập khẩu được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 sẽ thuận lợi hơn cho DN trong kinh doanh ở những ngành thủy sản, ngành gia công, ngành chế biến..., nhất là tránh những phiền nhiễu, tiêu cực...

Theo Tuổi trẻ

 

 



Đang xử lý...