Thứ năm , 21/11/2024  |  05:09  GMT+7

Tuyển sinh 2016: Lại đăng ký nguyện vọng trước khi thi?

03:53  Ngày 23/10/2015

(Tìm nhanh doanh nghiệp) Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015 - 2016 khối đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), diễn ra hôm nay (22/10), nhiều vấn đề liên quan đến tuyển sinh năm 2016 đã được bàn luận. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. 

Ảnh minh họa

Thời gian tổ chức thi THPT quốc gia: Vẫn nhiều ý kiến khác nhau 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra dự kiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 tới đây với mục đích "2 trong 1" (dùng kết quả kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ) vào 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6, tuy nhiên, tại hội nghị trên nhiều đại biểu vẫn có những ý kiến khác. 

Tại đầu cầu Vinh, ông Đinh Xuân Khoa - Hiệu trường ĐH Vinh, đại diện cho các trường đại học khu vực Bắc miền Trung cho ý kiến rằng, thời gian tổ chức kỳ thi trên nên để sang đầu tháng 7/2016. Vì theo lý giải của các trường rằng, hầu hết phải đến 30/6, các trường mới cơ bản hoàn thành các công việc của năm học 2015-2016, sau thời điểm đó các trường mới có thời gian và điều kiện tập trung cho kỳ tuyển sinh 2016. 

Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT - ông Đàm Quang Minh còn đưa ra ý kiến nên tổ chức tuyển sinh đại học làm nhiều lần, một năm có thể tổ chức thi làm 3 - 4 đợt định kỳ, chứ không nhất thiết chỉ tổ chức thành 1 đợt thi duy nhất. Điều này giúp cho các thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn và nguồn tuyển của các trường cũng sẽ phong phú hơn. 

Còn PGS. TS. Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, Bộ nên xem xét tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sớm hơn, khoảng tháng 6 là hợp lý. Về các đợt xét tuyển, đợt 1 nên giữ lại và chỉ cho thí sinh nộp ở 1 trường duy nhất, tránh tình trạng thí sinh ảo.

Cần cải tiến việc xét tuyển ĐH, CĐ

Ông Lê Quốc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải kiến nghị cải tiến việc xét tuyển ĐH, CĐ. Theo đó, nên tăng quyền tự chủ cho các trường, để các trường tự xác định phương án xét tuyển sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, sau đó sẽ trình báo cáo kết quả lên Bộ GD&ĐT. 

TS. Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc nhận định, kỳ thi THPT quốc gia 2015 đạt được hiệu quả tốt, các nhà trường đã đề cao cách thức thi. Tuy nhiên, ông Bao đề xuất, Bộ nên cho học sinh đăng ký nguyện vọng 1 trước khi thi tốt nghiệp để nhà trường chủ động hơn, quy định rõ hơn sự phối hợp giữa các đơn vị tổ chức thi.

Đại diện cho các ý kiến phát biểu tại đầu cầu Thái Nguyên, GS. TS. Khoa học Nguyễn Văn Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên mong muốn tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, khắc phục một số hạn chế trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng dành quyền tự chủ cao hơn cho nhà trường, Bộ GD&ĐT chỉ kiểm soát chất lượng và quy chế; Tăng cường kiểm soát quy mô đào tạo về tuyển sinh, đặt biệt là một số trường ĐH lớn.

Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ thì đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã thành công và thắng lợi nhưng vẫn còn một số áp lực. Ông Khiếm đề nghị, năm 2016 cụm thi do các Sở tổ chức Bộ nên giao hẳn cho tỉnh quyết định, giảm bớt gánh nặng cho Bộ. Việc công bố kết quả thi Bộ cũng nên mạnh dạn giao cho các tỉnh công bố.   

Về điểm ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ, PGS. TS. Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, Bộ GD&ĐT nên xem xét điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, hiện nay ưu tiên cách nhau 0,5 điểm là khá cao, cần nghiên cứu rút ngắn lại để đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị có một cuộc làm việc riêng để bản về phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016. Buổi làm việc sẽ phải thật chi tiết, cụ thể, đề cập đến mọi khía cạnh liên quan.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Hiện tại chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng khẳng định với nhân dân “nhất định kỳ thi năm tới kế thừa những cái được năm nay, khắc phục những cái chưa được để có một kỳ thi công bằng, trung thực, nghiêm túc. Đặc biệt, kỳ thi phải tách rời thi riêng, tuyển sinh riêng. Tuyển sinh ĐH phải trên tinh thần tự chủ ĐH. Các ĐH phải nâng cao quyền tự chủ của mình. Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết, đảm bảo công bằng cho học sinh, tôn trọng quyền tự chủ của các trường”. 

Theo VnMedia

 



Đang xử lý...