(Tìm nhanh doanh nghiệp) Nếu chỉ tính riêng trong tháng 8, cả nước có hơn 800 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng hơn 11% so cùng kỳ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, trong tháng 8/2015 (kỳ tính từ 20/7 đến 20/8), cả nước có 9.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 55.200 tỷ đồng. Số doanh nghiệp mới “khai sinh” này đã tạo việc làm cho 129.800 người lao động, tăng gần 64% so với cùng năm 2014.
Tính chung 8 tháng đầu năm, trên cả nước có tổng cộng 61.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 376.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng có hơn 15.200 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với số vốn tăng thêm là 481.500 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm nay lên tới 857.900 tỷ đồng. Qua đó, tạo được thêm 873.300 việc làm cho người lao động, tăng 23,3% so cùng kỳ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính riêng tháng 8, cả nước có khoảng 1.360 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4% so với tháng trước và đồng thời có 7.600 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 28%. Trong đó, 834 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 11,5%.
Tình trạng này đẩy số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 8 tháng đầu năm lên gần 6.300 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo cơ quan thống kê, con số này giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm hơn 93%). Bên cạnh đó, còn có hơn 39.000 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, tín hiệu lạc quan là 8 tháng đầu năm cũng ghi nhận hơn 11.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, cao hơn cùng kỳ năm 2014.
Nhìn chung, trong báo cáo lần này của Tổng cục Thống kê, với kỳ thống kê đến 20/8 chưa phản ánh hết được những tác động của điều chỉnh tỷ giá cũng như các biến động của kinh tế toàn cầu lên cộng đồng doanh nghiệp. Các tác động này sẽ được phản ánh rõ hơn trong số liệu tháng 9 cũng như 9 tháng đầu năm.
Bàn về tình hình doanh nghiệp Việt Nam, tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì diễn ra sáng nay, chuyên gia Sandeep Mahajan của World Bank đánh giá, có một điều không bình thường tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam đó là có đến 94% doanh nghiệp nhỏ (chưa đến 50 lao động) nên khó tận dụng được các cơ hội từ hội nhập. Và ngay cả các doanh nghiệp lớn (trên 300 lao động) thì hiệu suất kinh doanh thậm chí thấp hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung giải thích, tình trạng hội nhập yếu của các doanh nghiệp là do doanh nghiệp Việt Nam “như đang đi trên cái cầu khỉ, trên lưng bị đè nặng bởi khối đá đó là chi phí, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông nên không thể nhìn xa đến bên ngoài được”.
Theo Dantri.com.vn
Hôm qua (15/6), Hãng hàng không Vietjet và thương hiệu Bia Sài Gòn - Tổng...
Việt Nam càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì cạnh tranh...
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định quy định tiêu chí xác định doanh...
Apple không ép mọi nhà quản lý phải quan tâm đến lỗ, lãi và chi phí để các...
Ngày 23-1, NHTMCP Phương Đông (OCB) triển khai chương trình khuyến mại...