Thứ bảy , 23/11/2024  |  13:14  GMT+7

Thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh – Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Lựa chọn tên doanh nghiệp, Lựa chọn ngành nghề kinh doanh, Quy trình thành lập, Thành lập đơn vị phụ thuộc, Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Thông báo lập địa điểm kinh doanh,..

Thông tin

Lựa chọn tên doanh nghiệp

(Quy định tại Điều 31, 32, 33, 34, Luật Doanh nghiệp)

TÊN DOANH NGHIỆP là hình ảnh, đồng thời là tài sản tạo nên thương hiệu công ty, giúp đối tác có thể tìm kiếm dễ dàng và chính xác, thúc đẩy công việc kinh doanh phát triển, do đó, bạn cần chú ý khi đặt tên tránh sai phạm, nhầm lẫn, và tranh chấp phát sinh về sau.

Trước khi quyết định đặt tên nào đó cho doanh nghiệp, cần kiểm tra tên doanh nghiệp dự kiến có trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký không?

Quy tắc đặt tên:

TÊN DOANH NGHIỆP = “Công ty trách nhiệm hữu hạn” + “Tên riêng của doanh nghiệp”

Hoặc

TÊN DOANH NGHIỆP = “Công ty TNHH” + “Tên riêng của doanh nghiệp”

Lưu ý:

“Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền quyết định chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”

 (Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP)

Và tên doanh nghiệp của bạn:

Ø Phải viết được bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố: loại hình doanh nghiệptên riêng.

Ví dụ: Có thể đặt tên doanh nghiệp như sau: “Công ty TNHH Thương mại Phương Đông”; “Công ty TNHH Fastfood 123”

Ø Chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp của bạn có đăng ký ngành, nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó.  

Ví dụ: Có thể đặt tên doanh nghiệp như sau: “Công ty TNHH Du lịch lữ hành Quốc Thái” nếu doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh “Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch”.

Ø Phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Tên viết bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt:

Ø Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài được dịch từ tên tiếng Việt tương ứng. Tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

Ví dụ: “Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại EQ” có thể sử dụng tên tiếng Anh là: “EQ Investment and Trade promotion Limited Liability Company”

Ø Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp tại cơ sở của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Ø Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.

Ví dụ: “EQ Investment and Trade promotion Limited Liability Company” có thể viết tắt “EQ Investment & Trade Promotion LLC”

Lưu ý:

Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

Ví dụ: Không đặt tên như sau: “Công ty TNHH Hội Nông dân Việt Nam”  trùng với Hội Nông dân Việt Nam nếu chưa được Hội Nông dân Việt Nam đồng ý.

Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.

Lựa chọn ngành nghề kinh doanh

 

Về đăng ký ngành, nghề kinh doanh, cần lưu ý rằng doanh nghiệp chỉ được quyền đăng ký và hoạt động kinh doanh trong những ngành, nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh.

(Quy định tại Điều 7, Luật Doanh nghiệp, Điều 7 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 và từ Điều 7 đến Điều 10 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010)

Các nguyên tắc cơ bản trong lựa chọn ngành, nghề kinh doanh:

Ø Người thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề theo ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những ngành, nghề cấm kinh doanh;

Ø Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đã đăng ký;

Ø Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

Ví dụ: Điều kiện kinh doanh của ngành, nghề xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật (Nghị định số 126/2007/NĐ-CP) là:

·        Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

·        Có đề án hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

·        Có vốn pháp định từ 5 (năm ) tỷ đồng trở lên;

·        Ký quỹ một tỷ đồng tại ngân hàng.

Ø Trường hợp đăng ký ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định thì phải có văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền;

Ví dụ: Đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản, yêu cầu vốn pháp định của doanh nghiệp là 6 tỷ (Nghị định số 153/2007/NĐ-CP), theo đó doanh nghiệp của bạn phải có xác nhận về việc sở hữu hợp pháp nguồn vốn hoặc tài sản có giá trị tương đương 6 tỷ đồng.

Ø Trường hợp đăng ký ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ví dụ: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán phải có ít nhất 3 người có chứng chỉ Kiểm toán viên, trong đó có Giám đốc/Tổng giám đốc (Nghị định số 30/2009/NĐ-CP)

Ø Quyết định về ngành, nghề kinh doanh phải ghi rõ trong Điều lệ công ty

Lưu ý:

Nên lựa chọn đăng ký những ngành, nghề mà doanh nghiệp sẽ hoạt động.

Không nên đăng ký quá nhiều ngành, nghề kinh doanh mà không hoạt động sẽ không xác định được lĩnh vực đầu tư chính cho doanh nghiệp của bạn và cơ quan nhà nước khó khăn trong việc quản lý và phân loại các chỉ tiêu kinh tế.

 

Quy trình thành lập

Sau khi đã lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và loại hình doanh nghiệp cũng như mô hình tổ chức quản lý và tên doanh nghiệp phù hợp với chiến lược kinh doanh, đã đến lúc bạn cần đăng ký khởi đầu doanh nghiệp cho hoạt động kinh doanh của mình. Vậy thì, Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký như thế nào?

Trước tiên, cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ, bao gồm:

-  Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên;

-  Dự thảo Điều lệ công ty;

-  Danh sách thành viên của công ty;

-  Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân;

-  Bản sao quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; văn bản uỷ quyền, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo uỷ quyền (trường hợp thành viên là tổ chức);

-  Văn bản xác nhận vốn pháp định (trường hợp đăng ký kinh doanh ngành, nghề phải có vốn pháp định);

-  Bản sao chứng chỉ hành nghề (trường hợp đăng ký kinh doanh ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề).

Tiếp theo, bạn hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.

Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh sẽ xem xét hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ.

 

Lưu ý:

Người thành lập doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác, trung thực, hợp pháp của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục sau:

Khắc dấu: doanh nghiệp phải khắc dấu, sau đó đăng ký mẫu dấu tại cơ quan Công an, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Các thủ tục liên quan đến đăng ký thuế: Sau khi có mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại cơ quan thuế, như thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…

Đăng bố cáo: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện đăng bố cáo doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia với các nội dung bố cáo:

-  Tên doanh nghiệp;

-  Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện;

-  Ngành, nghề kinh doanh;

-  Vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định;

-  Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu, của thành viên;

-  Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

Nơi đăng ký kinh doanh.

 

Thành lập đơn vị phụ thuộc

 

Ngoài ra, để tiếp tục mở rộng, phát triển công việc kinh doanh của mình, doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh với hồ sơ, thủ tục thực hiện như sau:

Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện:

Hồ sơ bao gồm:

-  Thông báo về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;

-  Quyết định của Hội đồng thành viên về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;

-  Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;

-  Quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;

-  Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;

-  Chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc của cá nhân khác (trường hợp ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề).

Thông báo lập địa điểm kinh doanh:

Hồ sơ bao gồm:

-  Thông báo về việc thành lập địa điểm kinh doanh.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ nội dung trong hồ sơ, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh sẽ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp.

 

Lưu ý:

Công ty chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại những tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Trường hợp doanh nghiệp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính) thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính) để bổ sung vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Phí, lệ phí

Phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp

Phí và Lệ phí đăng ký doanh nghiệp hiện nay được điều chỉnh bởi Thông tư số 176/2012/TT-BTC và Thông tư số 106/2013/TT-BTC  của Bộ Tài chính.

Để biết thêm chi tiết, mời xem Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp dưới đây:

 

BIỂU MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

(Theo Thông tư số 176/2012/TT-BTC và Thông tư số 106/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính)

 

Số TT

Nội dung

Đơn vị tính

Mức thu

I

Lệ phí đăng ký doanh nghiệp

 

 

1

Cấp mới, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Đồng/lần

200.000

2

Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do bị mất, cháy, rách, nát hoặc tiêu hủy

Đồng/lần

100.000

3

Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

Đồng/lần

100.000

II

Lệ phí đăng ký hộ kinh doanh

Đồng/lần

100.000

III

Phí cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp:

 

 

1

Thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện

Đồng/bản

20.000

2

Thông tin về Điều lệ công ty

Đồng/bản

50.000

3

Thông tin về Báo cáo tài chính của công ty cổ phần

Đồng/bản

50.000

4

Các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Đồng/tài liệu

25.000

5

Thông tin về báo cáo tổng hợp về người thành lập, quản lý doanh nghiệp trong 03 năm

Đồng/01 báo cáo/doanh nghiệp

100.000

6

Thông tin về báo cáo tổng hợp về lịch sử doanh nghiệp trong 03 năm

Đồng/01 báo cáo/doanh nghiệp

200.000

IV

Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Đồng/lần

300.000

Đang xử lý...